Sở hữu toàn dân đất đai là gì? Tại sao đất đai thuộc sở hữu toàn dân?

Chế độ sở hữu không chỉ là một yếu tố cơ bản xác lập nền tảng của một chế độ xã hội mà còn thể hiện bản chất của chế độ xã hội đó. Vậy sở hữu toàn dân đất đai là gì? Tại sao đất đai thuộc sở hữu toàn dân?

1. Sở hữu toàn dân đất đai là gì?

 Theo quy định tại Điều 4 Luật đất đai 2013 đã nêu rõ:

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Theo quy định nêu trên, có thể hiểu, sở hữu toàn dân đất đai là việc toàn thể nhân dân đều có quyền sở hữu đất đai và quyền này không thuộc về riêng một cá nhân nào trong xã hội. Theo đó, Nhà nước sẽ đại diện làm chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Ngoài ra, Luật Đất đai 2013 còn quy định người dân được quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Cụ thể, Điều 5 Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất gồm:

– Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác

– Hộ gia đình, cá nhân;

– Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;

– Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;

– Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Như vậy, đất đai theo quy định của pháp luật Việt Nam thì thuộc sở hữu của toàn dân và do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và quản lý sau đó sẽ trao quyền cho các đối tượng sử dụng đất.

2. Tại sao đất đai thuộc sở hữu toàn dân ?

Xuất phát từ lập trường “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”, thì nhân dân phải là chủ sở hữu đối với tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá của quốc gia là đất đai. Ðất đai là thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của cả dân tộc, không thể để cho một số người nào đó may mắn trên thị trường có quyền độc chiếm sở hữu. Ðất đai của quốc gia dân tộc phải thuộc sở hữu chung của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn dân tộc, của nhân dân.

Sở hữu toàn dân tạo điều kiện để những người lao động có điều kiện tiếp cận đất đai tự do. Phải tạo cơ chế công bằng ngay từ gốc, tức là người lao động phải có tư liệu sản xuất, trong đó có đất đai, để lao động mưu sinh. Sở hữu tư nhân đất đai sẽ làm cho người nghèo mất đất và khi không có tư liệu sản xuất, nhất là đất đai thì người nghèo không thể thoát nghèo được.

Sở hữu toàn dân về đất đai tạo cơ chế để người lao động có quyền hưởng lợi ích từ đất đai một cách có lợi hơn, công bằng hơn và bình đẳng hơn. Bởi vì, sở hữu toàn dân là sở hữu chung của tất cả mọi người dân Việt Nam. Vấn đề là cần thể chế hóa sở hữu toàn dân về đất đai bằng cơ chế quản lý và sử dụng thích hợp, nhằm có thể đạt được một lúc hai mục đích: hiệu quả và công bằng đối với người lao động. Không được sao nhãng mục tiêu công bằng, vì nếu để đạt được hiệu quả bằng cách hy sinh quyền lợi của phần lớn người lao động, của cải làm ra nhiều hơn nhưng chui vào túi người giàu thì không phải là hiệu quả chúng ta mong muốn.

Về bản chất, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguồn gốc của thực tế phức tạp hiện nay về đất đai. Thực trạng quản lý, sử dụng đất đai đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, bắt nguồn không phải từ bản chất vốn có của sở hữu toàn dân về đất đai, mà bắt nguồn từ sự yếu kém kéo dài trong việc không hiện thực hóa thiết chế thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; bắt nguồn từ hệ lụy yếu kém trong quản lý đất đai cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô.

 Sở hữu toàn dân không phải là sở hữu nhà nước về đất đai. Toàn dân, tức toàn thể công dân của một nước và thiết chế đại diện chung cho họ là Nhà nước chia nhau quyền của chủ sở hữu đất đai theo Hiến pháp và pháp luật. Do đó, nếu chúng ta nhất trí đất đai thuộc sở hữu nhà nước thì có nghĩa là công dân không còn chút quyền nào đối với đất đai.

Sở hữu toàn dân về đất đai là sở hữu chung của toàn dân, nhưng có sự phân chia việc thực hành quyền sở hữu giữa người sử dụng đất và Nhà nước. Bản chất của cơ chế đó là phân chia một cách hợp lý các quyền của chủ sở hữu đất đai giữa người dân và Nhà nước, cũng như giữa các cơ quan nhà nước các cấp. Luật Ðất đai năm 2003 và các văn bản pháp luật liên quan đã trao cho người dân khá nhiều quyền: sử dụng (theo quy hoạch chung của Nhà nước), chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp vay vốn, thừa kế, góp vốn… Về cơ bản người dân đã có gần hết quyền của chủ sở hữu cho phép họ đầu tư, sử dụng đất hiệu quả theo năng lực của họ. Một số hạn chế của quyền chủ sở hữu mà người sử dụng đất không có là: không được tùy ý chuyển mục đích sử dụng đất; hạn điền; thời gian giao đất hữu hạn; phải giao lại đất cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng, mục đích công cộng. Tương ứng với mở rộng quyền cho người sử dụng đất, quyền của cơ quan nhà nước với tư cách đại diện cho toàn dân thống nhất quản lý đất đai trong cả nước được quy định trên các mặt sau: quy định mục đích sử dụng cho từng thửa đất (bằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất); thu hồi đất phục vụ các mục đích an ninh, quốc phòng, mục đích công cộng; thu một số khoản dựa trên đất. So sánh với Luật Ðất đai của một số nước duy trì tư hữu về đất đai, quyền của người sử dụng đất của chúng ta cũng không thua kém mấy và quyền của Nhà nước cũng không quá nhiều.

Chế độ sở hữu toàn dân nhấn mạnh quyền của người dân trong sử dụng quyền của mình để cùng nhau giải quyết các vấn đề bất đồng trong sử dụng và phân chia lợi ích từ đất. Với việc quy định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiến pháp, khi phần lớn số công dân bị bất lợi trong phân chia lợi ích từ đất đai, họ có thể yêu cầu Nhà nước sửa Luật Ðất đai phục vụ mục đích chung của công dân, sửa chữa những mất công bằng trong phân phối lợi ích từ đất đai do cơ chế thị trường đem lại. Nếu Hiến pháp tuyên bố sở hữu tư nhân về đất đai thì nhân danh quyền chủ sở hữu, bộ phận nhỏ dân cư sở hữu nhiều đất đai sẽ không cho phép phần lớn còn lại thay đổi chế độ phân phối lợi ích từ đất đai.

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tránh cho xã hội chúng ta rơi vào tình trạng bất ổn do một số người có thể đòi hỏi xem xét lại các quyết định lịch sử về đất đai nếu như duy trì chế độ sở hữu tư nhân về đất đai. Bởi vì, đất đai là thuộc sở hữu chung của mọi công dân Việt Nam, được thực thi theo cơ chế Nhà nước được toàn dân ủy quyền cho việc giao đất cho hộ gia đình và tổ chức sử dụng và Nhà nước được ủy quyền quản lý đất đai, bảo đảm quá trình sử dụng đất đai làm sao để lợi ích của người sử dụng đất đai thống nhất với lợi ích chung của quốc gia. Khi đó, không có vấn đề tranh chấp giữa cá nhân và cá nhân. Việc giao đất hay cải cách quản lý của Nhà nước theo hướng mở rộng hơn nữa quyền của người sử dụng đất có lợi cho người lao động, nhất là có lợi cho nông dân, những người trực tiếp sử dụng đất với tư cách tư liệu sản xuất, chỉ là vấn đề tiếp theo của những quyết định đã có trong lịch sử, không phải là một cuộc đảo lộn lịch sử. Cách làm và quan niệm như vậy dễ đưa đến sự đồng thuận cần thiết của cả dân tộc trong bối cảnh nước ta còn không ít khó khăn hiện nay.

Về mặt thực tế, duy trì sở hữu toàn dân trong điều kiện hiện nay là cách làm tốt nhất để ổn định kinh tế, chính trị, xã hội. Nếu thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai, sẽ diễn ra các cuộc tranh đấu đòi lại quyền sở hữu nhà, đất trong quá khứ, sẽ có cuộc lục soát lại những gì chúng ta đã làm trong cải cách ruộng đất, trong thu hồi đất, chia nhà bỏ hoang cho cán bộ và người dân những năm sau chiến tranh. Không nên rũ rối lịch sử để rồi không đem lại lợi ích thực tế gì. Tại sao không sửa đổi theo tiến trình lịch sử, sử dụng những điều kiện đã có để tiến tới những điều kiện tốt hơn, trong đó quyền của người dân đối với đất đai vẫn được bảo toàn mà xã hội không lâm vào tình trạng bất ổn.

Đất đai là tài sản chung của dân tộc cho nên không cho phép Chính phủ hay chính quyền địa phương chuyển nhượng cho người nước ngoài một cách tự do như đối với công dân Việt Nam. Nếu không quy định những điều kiện chặt chẽ về sở hữu đất, nhất là đất sản xuất của người nước ngoài, nếu chúng ta thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai và cho phép người nước ngoài thỏa thuận mua bán đất với tư nhân, thì nguy cơ mất nước từ hệ lụy của nền kinh tế thị trường sẽ thành hiện thực và thành quả đấu tranh kiên cường để giành độc lập của dân tộc ta sẽ có nguy cơ bị triệt tiêu bởi thế lực của đồng tiền.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Thuận Phong về vấn đề trên. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số điện thoại 0904 815 986 để được hỗ trợ. Xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *