Quan hệ hôn nhân là quan hệ giữa nam, nữ sau khi kết hôn. Quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam, nữ được xác lập khi tuân thủ các quyền của pháp luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và phải được đăng kí tại cơ quan đăng kí kết hôn có thẩm quyền.
Việc nam, nữ xác lập quan hệ hôn nhân phải nhằm mục đích chung sống lâu dài và cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Nếu việc xác lập quan hệ hôn nhân mà không nhằm mục đích sống chung và xây dựng gia đình, mà vì mục đích khác để kết hôn giả tạo, thì quan hệ hôn nhân đó không được nhà nước thừa nhận và các bên không phát sinh quan hệ hôn nhân trước pháp luật.
Luật Hôn nhân và gia đình là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam đồng thời là một môn học trong các cơ sở đào tạo Luật. Hơn nữa, Luật Hôn nhân và gia đình điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình – lĩnh vực cơ bản, chủ yếu trong đời sống xã hội.
1. Khái niệm về hôn nhân
Theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã thực hiện các quy định của pháp luật về kết hôn, nhằm chung sống với nhau và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.
Nam nữ xác lập quan hệ hôn nhân nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm giữa hai bên và tương trợ lẫn nhau về những nhu cầu vật chất trong đời sống hàng ngày. Hôn nhân là quan hệ gắn liền với nhân thân của mỗi bên nam nữ với tư cách là vợ chồng. Trong xã hội mà các quan hệ hôn nhân được coi là quan hệ pháp luật thì sự liên kết giữa người nam và người nữ mang ý nghĩa như một sự kiện pháp lý làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định cho các bên trong quan hệ vợ chồng.
2. Đặc điểm hôn nhân là gì ?
Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, hôn nhân có những đặc điểm sau:
– Hôn nhân là sự liên kết giữa một người nam và một người nữ – là hôn nhân một vợ một chồng. Để đảm bảo nguyên tắ’c hôn nhân một vợ một chồng, Luật Hôn nhân và gia đình quy định: cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc cấm người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ (điểm c khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13). Hôn nhân là sự liên kết giữa một người nam và một người nữ, do đó những người cùng giới tính không thể xác lập quan hệ hôn nhân với nhau.
– Hôn nhân là sự liên kết trên cơ sở tự nguyện của hai bên nam nữ: Hai bên nam nữ có quyền tự mình quyết định việc kết hôn, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối và cũng không bị cản trở. Sau khi kết hôn, việc duy trì hay chấm dứt quan hệ hôn nhân dựa trên sự tự nguyện của mỗi bên vợ, chồng.
– Nam nữ khi tham gia quan hệ hôn nhân được hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật. Trong gia đình, mỗi bên vợ chồng có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt. Ngoài xã hội, với tư cách là công dân, mỗi bên vợ, chồng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cồng dân đã được Hiến pháp công nhận. Quyền bình đẳng giữa vợ và chồng còn thể hiện trong việc không phân biệt vợ chồng là người Việt Nam háy người nước ngoài, người thuộc dân tộc hoặc tôn giáo nào, quan hệ hôn nhân của họ đều được tôn trọng và bảo vệ (khoản 2 Điều 2 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13).
– Mục đích của việc xác lập quan hệ hôn nhân là để cùng nhau chung sống và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Do vậy, nếu nam nữ kết hôn là để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài, hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm để chung sống và xây dựng gia đình thì gọi là kết hôn giả tạo. Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13 cấm kết hôn giả tạo (điểm a, khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13).
– Các bên tham gia quan hệ hôn nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Khi kết hôn, các bên phải tuân thủ các quy định về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Khi chấm dứt hôn nhân (do ly hôn, do vợ hoặc chồng chết, do vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố là đã chết) phải dựa trên những căn cứ pháp lý được pháp luật quy định.
3. Kết hôn là gì ?
Theo khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13, Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Như vậy, kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Khi kết hôn, các bên nam nữ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn được Luật hôn nhân và gia đình quy định và phải đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền thì việc kết hôn đó mới được công nhận là hợp pháp và giữa các bên nam nữ mới phát sinh quan hệ vợ chồng trước pháp luật.
4. Điều kiện đăng ký kết hôn
Điều kiện kết hôn là điều kiện do pháp luật quy định mà các bên nam, nữ cần phải có mới có quyền được kết hôn. Điều 8 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13 quy định nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn như sau:
+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Lưu ý: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
5. Quy định về thủ tục đăng ký kết hôn
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ
* Kết hôn trong nước
Theo Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
– Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu;
– Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh. Lưu ý, những loại giấy tờ này đều phải đang còn thời hạn sử dụng;
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi cư trú cấp.
– Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu trước đó đã từng kết hôn và ly hôn.
* Kết hôn có yếu tố nước ngoài
Nếu việc kết hôn có yếu tố nước ngoài thì căn cứ theo Điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, hồ sơ cần chuẩn bị gồm:
– Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu);
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân còn giá trị sử dụng, do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thể hiện nội dung: Hiện tại người nước ngoài này không có vợ/có chồng. Nếu nước đó không cấp thì thay bằng giấy tờ khác xác định người này đủ điều kiện đăng ký kết hôn.
– Giấy xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác, có đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình (do cơ quan y tế của thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận).
– Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (bản sao).
Bước 2: Nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014, sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ nêu trên, các cặp đôi cần đến UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên để đăng ký kết hôn.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 37 Luật hộ tịch năm 2014, trong những trường hợp sau đây, nơi thực hiện việc đăng ký kết hôn cho các cặp nam, nữ là UBND cấp huyện:
– Công dân Việt Nam với người nước ngoài;
– Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
– Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;
– Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
Riêng hai người nước ngoài khi có nhu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì đến UBND cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên để thực hiện việc đăng ký kết hôn (Căn cứ khoản 1 Điều 37 Luật Hộ tịch).
Bước 3: Giải quyết đăng ký kết hôn
Nếu thấy đủ điều kiện kết hôn, Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 nêu rõ, cán bộ tư pháp ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam nữ ký tên vào Sổ hộ tịch và Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Đồng thời hai bên nam, nữ cùng ký vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Sau đó, cán bộ tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
Giấy chứng nhận kết hôn được cấp ngay sau khi cán bộ tư pháp nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và xét thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định (theo Điều 18 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
Trong trường hợp nếu cần xác minh thêm các điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn cấp Giấy chứng nhận kết hôn không quá 05 ngày làm việc.
Do đó, có thể thấy thời hạn cấp Giấy đăng ký kết hôn là ngay sau khi hai bên được xét đủ điều kiện kết hôn và được UBND nơi có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Riêng trường hợp có yếu tố nước ngoài, theo Điều 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, việc trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ký.
Đặc biệt: Nếu trong 60 ngày kể từ ngày ký mà hai bên không thể có mặt để nhận giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì Giấy này sẽ bị hủy. Nếu hai bên vẫn muốn kết hôn thì phải thực hiện thủ tục lại từ đầu.
Lệ phí đăng ký kết hôn
Nếu đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước thì được miễn lệ phí đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước theo quy định tại Điều 11 Luật Hộ tịch năm 2014.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến hôn nhân gia đình, Hãy gọi ngay: 0904 815 986 để được luật sư tư vấn. Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm của Luật Thuận Phong luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp. Trân trọng cảm ơn!