Doanh nghiệp đòi nợ thuê cần làm gì khi dịch vụ này bị cấm?

Khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực và dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm, tôi phải làm gì với công ty kinh doanh dịch vụ này của mình? (Nhân Thắng)

Luật sư tư vấn

Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, theo đó, tất cả doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải dừng hoạt động. Tất cả hợp đồng đòi nợ mà doanh nghiệp đã ký với khách hàng sau ngày 1/1/2021 sẽ hết hiệu lực. Các bên sẽ phải thanh lý hợp đồng.

Hiện tại, pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực. Song do dịch vụ đòi nợ thuê đã bị coi là ngành nghề kinh doanh bị cấm hoạt động, các doanh nghiệp này có thể sẽ phải tiến hành thủ tục để giải thể doanh nghiệp với các thủ tục sau:

Bước 1: Thông qua quyết định giải thể công ty

Việc giải thể phải được thông qua bởi chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, bởi hội đồng thành viên với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bởi đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và bởi các thành viên hợp danh với công ty hợp danh.

Quyết định này thể hiện sự nhất trí của các thành viên về các vấn đề liên quan đến lý do giải thể; thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ; phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động và việc thành lập tổ thanh lý tài sản.

Bước 2: Thông báo công khai quyết định giải thể

Sau khi quyết định giải thể được thông qua, doanh nghiệp phải thông báo cho những người có quyền và lợi ích liên quan đến hoạt động giải thể doanh nghiệp biết về quyết định giải thể.

Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Bước 3: Thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của công ty

Khoản 2 và Khoản 5 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về người tổ chức thanh lý tài sản và thứ tự thanh toán nợ. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.

Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 203 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp cũng được quy định cụ thể tại Điều 204 Luật này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *